Kinh tế

Google "thất trận", Tòa sơ thẩm châu Âu "y án" mức phạt 2,8 tỷ USD

Tòa sơ thẩm châu Âu vừa phán quyết rằng Ủy ban châu Âu đã đúng khi xử phạt Google vì vi phạm quy định chống độc quyền.

Phán quyết trên được Tòa sơ thẩm châu Âu (GC) đưa ra hôm 10/11, ở một thời điểm quan trọng mà chính sách Liên minh châu Âu (EU) đưa ra có thể ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh của các "ông lớn" công nghệ (Big Tech).

Trước đó Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp cao nhất của EU, kết luận vào năm 2017 rằng Google đã ủng hộ các dịch vụ mua sắm so sánh của riêng mình và xử phạt công ty này 2,42 tỷ EUR (tương đương 2,8 tỷ USD) do vi phạm các quy định chống độc quyền. Đáp trả lại, Google đã khiếu nại kết luận của Ủy ban châu Âu lên Tòa sơ thẩm châu Âu.

Tuy nhiên, Tòa sơ thẩm châu Âu nêu rõ trong thông cáo báo chí hôm 10/11 rằng: "Tòa án sơ thẩm nhận thấy, với ưu tiên dịch vụ mua sắm so sánh riêng trên các trang hiện thị kết quả chung của mình thông qua việc ưu ái hiển thị và định vị, đồng thời loại bỏ kết quả từ các dịch vụ so sánh cạnh tranh trong các trang đó bằng những thuật toán xếp hạng, Google đã bỏ qua các quy tắc cạnh tranh giá trị".

Ngoài ra, Tòa sơ thẩm châu Âu cũng "y án" mức phạt 2,42 tỷ EUR đối với Google. Cơ quan này cho biết thêm: "Tòa sơ thẩm đưa ra kết luận phân tích cùng với yêu cầu rằng số tiền phạt Google sẽ được xác nhận".

Google có thể kháng cáo phán quyết hôm 10/11 của Tòa sơ thẩm châu Âu lên tòa án cao nhất của EU - Tòa án công lý châu Âu (ECJ).

Đây không phải là lần đầu tiên Tòa sơ thẩm châu Âu ra phán quyết về một vụ vi phạm quy định chống độc quyền do Ủy ban châu Âu nhắm vào một "gã khổng lồ" công nghệ.

Vào tháng 7/2020, Tòa sơ thẩm châu Âu từng tuyên bố rằng Ủy ban châu Âu đã không chứng minh được rằng chính phủ Ireland đã ưu đãi thuế cho Apple. Trước đó, Ủy ban châu Âu đã yêu cầu Ireland truy thu Apple 13 tỷ EUR vào năm 2016.

Khẳng định của Tòa sơ thẩm châu Âu về vụ việc Apple đã giáng đòn mạnh vào bà Margrethe Vestager, Cao ủy phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU cùng các cộng sự. Về cơ bản, Tòa sơ thẩm châu Âu cho rằng Cơ quan cạnh tranh của EU đã không làm tốt việc chứng minh chính phủ Ireland đã ưu đãi thuế cho Apple.

Bà Margrethe Vestager sau đó đã kháng cáo phán quyết của Tòa sơ thẩm châu Âu và đưa vụ việc lên Tòa án công lý châu Âu. Tuy nhiên, đến nay phán quyết về vụ việc vẫn chưa được đưa ra.

Ở thời điểm đó, phán quyết từ Tòa sơ thẩm châu Âu cũng đã cho thấy một trong những thách thức lớn trong thực thi chính sách cạnh tranh của châu Âu là trong các vụ kiện chống độc quyền, Ủy ban châu Âu phải đưa ra được bằng chứng, chứ không phải bị đơn.

EU đang thảo luận cách thức siết chặt các quy định của khối này nhằm đảm bảo cạnh tranh bình đẳng hơn giữa 27 quốc gia thành viên.

Ông Thomas Vinje, chuyên gia về chống độc quyền tại Công ty luật Clifford Chance cho rằng phán quyết hôm 10/11 của Tòa sơ thẩm châu Âu "sẽ thuận đường cho DMA (Đạo luật thị trường kỹ thuật số)".

Đạo luật thị trường kỹ thuật số là một trong những đạo luật lớn mà EU đang triển khai xây dựng. Đạo luật này hướng đến xử lý bất kỳ hành vi nào cản trở thị trường châu Âu. Nó có thể dẫn đến những thay đổi trong mô hình kinh doanh của các "ông lớn" công nghệ.

Một trong những thay đổi tiềm năng mà Đạo luật thị trường kỹ thuật số đề ra là chấm dứt chế độ tự ưu tiên, đơn cử như kết quả tìm kiếm ứng dụng trên các tùy chọn hiển thị sản phẩm do Apple phát triển. Mục đích là tạo điều kiện cho các nhà phát triển ứng dụng nhỏ hơn có cơ hội tiếp cận người dùng.

Các nhà lập pháp EU cũng đang xem xét việc hạn chế quảng cáo để mang lại nhiều quyền riêng tư hơn cho người dùng. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến mô hình hoạt động của các "ông lớn" công nghệ khi cung cấp dịch vụ cho thị trường châu Âu.

Theo Lê Quân (Báo Đầu tư)

Văn phòng

Barcelona

Plaça Francesc Macià 7, Tầng 17 08029 Barcelona (Tây Ban Nha)

+34 936 111 288 | +34 601 052 496

gestion@eurochinabridge.com
WECHAT: sfabogados2016

© Copyright 2024 EurovietnamBridge. Bảo lưu mọi quyền.