Tin tức

EVFTA: Nghị viện Liên hiệp châu Âu 'tiến gần đến việc thông qua'

Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Tỉ lệ phiếu áp đảo 29/6, và 5 phiếu trắng, là kết quả buổi họp hôm thứ Ba của ủy ban.

Ủy ban cũng đồng ý thông qua Hiệp định bảo hộ đầu tư với Việt Nam (IPA), với tỉ lệ phiếu 26/7, và 6 phiếu trắng.

Thỏa thuận với Việt Nam nay sẽ đem ra cho toàn thể nghị viện bỏ phiếu, khi các nghị sĩ gặp nhau trong tuần từ ngày 10/2.

Việc ủy ban thương mại quốc tế EU ủng hộ áp đảo cho thấy châu Âu đang rất mong muốn mở rộng thương mại với Việt Nam.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là thỏa thuận thứ hai của EU với một nước trong Đông Nam Á, sau Singapore.

Geert Bourgeois hiện là báo cáo viên Hiệp định Tự do Thương mại với Việt Nam (EVFTA), phát biểu:

"Bên cạnh tầm quan trọng kinh tế và địa chính trị, tôi tin rằng thỏa thuận này sẽ đẩy nhanh tiến trình cải cách bên trong Việt Nam.

"Việc thông qua sẽ thúc đẩy thêm tiến bộ về tiêu chuẩn lao động, môi trường và tôn trọng nhân quyền."

Giới chỉ trích đã kêu gọi EU không thông qua với lý do Việt Nam có nhiều khiếm khuyết về nhân quyền và quyền lao động.

EU gặp đại diện Việt Nam ở Hà Nội

Trong diễn biến liên quan, phái đoàn EU EU ở Hà Nội vừa ra thông cáo cho hay Đại sứ EU Giorgio Aliberti ngày 21/1 đã có cuộc tiếp xúc với Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Nội dung để thảo luận về việc tăng cường quan hệ song phương EU - Việt Nam, trong bối cảnh Hiệp định Thương mại Tự do & Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU-VN đang trong quá trình chuẩn bị phê chuẩn.

Đại sứ Aliberti nhân dịp này cũng đã nhắc lại "mối quan ngại sâu sắc của EU về sự kiện diễn ra ở xã Đồng Tâm và việc sử dụng bạo lực với bất kỳ hình thức nào, như đã được tuyên bố bởi Người Phát ngôn Cơ quan Ngoại giao EU".

Phía EU ở Hà Nội nói: "EU lấy làm tiếc về sự thương vong xảy ra trong cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người dân và yêu cầu tính minh bạch đầy đủ trong việc đánh giá nguyên nhân và bối cảnh của sự kiện. EU sẽ tiếp tục theo sát tình hình và sẵn sàng giúp đỡ chính quyền Việt Nam trong quá trình điều tra độc lập và minh bạch.

EU bày tỏ sự thương tiếc tới gia đình và những người bạn của những nạn nhân."

Những mốc thời gian chính của EVFTA

Tháng 10 năm 2010: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

Tháng 6 năm 2012: Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

Tháng 12 năm 2015: Kết thúc đàm phán và bắt đầu rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.

Tháng 6 năm 2017: Hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật

Tháng 9 năm 2017: EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên.

Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm:

  • Hiệp định Thương mại tự do bao gồm toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời.
  • Hiệp định Bảo hộ đầu tư (Hiệp định IPA) bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Hiệp định IPA này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.

Tháng 6 năm 2018: Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA; và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.

Tháng 8 năm 2018: Hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định IPA.

Ngày 17 tháng 10 năm 2018: Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.

Ngày 25 tháng 6 năm 2019: Hội đồng châu Âu đã phê duyệt cho phép ký Hiệp định.

Một số nội dung chính của Hiệp định EVFTA

Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu).

Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.

Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu).

Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

Các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi cho các nhà đầu tư EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối. Hai bên cũng đưa ra cam kết về đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời thảo luận về nội dung giải quyết tranh chấp giữa hà đầu tư và nhà nước.

Nguồn: bbc.com

Văn phòng

Barcelona

Plaça Francesc Macià 7, Tầng 17 08029 Barcelona (Tây Ban Nha)

+34 936 111 288 | +34 601 052 496

gestion@eurochinabridge.com
WECHAT: sfabogados2016

© Copyright 2024 EurovietnamBridge. Bảo lưu mọi quyền.